Việc sử dụng Google Tag Manager (GTM) để cấu hình thẻ Google Analytics 4 (GA4) mang đến nhiều lợi ích. GTM cung cấp một cách dễ dàng và linh hoạt để quản lý việc đặt mã theo dõi và sự kiện trong GA4 trên trang web của bạn. Với GTM, bạn có thể thay đổi và cập nhật các thẻ một cách nhanh chóng mà không cần can thiệp vào mã nguồn trang web, và giảm bớt sự phụ thuộc vào lập trình viên. Điều này giúp tăng tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro khi triển khai GA4. Và giúp bạn nắm bắt thông tin quan trọng và cung cấp sự hiểu biết sâu sắc về hành vi và tương tác của người dùng trên trang web.
Định cấu hình thẻ Google Analytics 4 trong Trình quản lý thẻ của Google (GTM)
Bài viết này giả định là bạn đã cài đặt và sử dụng Google Analytics 4 (GA4) rồi và muốn duy trì các thẻ của bạn trong Google Tag Manager. Để biết thêm thông tin về cách thiết lập GA4, hãy tham khảo Thiết lập Google Analytics. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách vùng chứa web (container web) của GTM gửi sự kiện đến GA4.
Để định cấu hình thẻ GA4 trong GTM, bạn cần sử dụng các thẻ quan trọng như: Thẻ cài đặt GA4, Thẻ sự kiện GA4, và Thẻ cấu hình GA4. Mỗi thẻ đóng vai trò quan trọng trong việc cài đặt và theo dõi mã theo dõi GA4 trên trang web của bạn. Bằng cách sử dụng và kết hợp những thẻ này, bạn có thể linh hoạt triển khai và theo dõi hiệu quả thông tin liên quan đến người dùng và hoạt động trên trang web của bạn. Để gửi dữ liệu sự kiện từ Google Tag Manager cho GA4, bạn cần có 3 thẻ hoạt động cùng nhau:
1. Thẻ cài đặt GA4:
Đây là thẻ chính để cài đặt mã theo dõi GA4 trên trang web của bạn. Bạn cần cung cấp thông tin về mã theo dõi GA4 của bạn trong thẻ này.
2. Thẻ cấu hình GA4:
Đảm bảo dữ liệu từ trang web của bạn sẽ được gửi đến Google Analytics. Thẻ này cho phép bạn cấu hình các tùy chọn và thiết lập khác cho mã theo dõi GA4, chẳng hạn như bật/tắt theo dõi quảng cáo, xác định nguồn dữ liệu, hoặc cài đặt bộ lọc dữ liệu.
3. Thẻ sự kiện GA4:
Cho phép bạn thiết lập các sự kiện trên trang web của mình mà không cần viết mã. Dữ liệu sự kiện sẽ hiển thị trong báo cáo GA4 của bạn. Bạn sử dụng thẻ này để theo dõi các sự kiện cụ thể trên trang web, chẳng hạn như nhấp chuột, gửi biểu mẫu, hoặc xem trang. Bạn có thể tùy chỉnh các tham số và dữ liệu sự kiện trong thẻ này.
Thiết lập thẻ Cấu hình Google Analytics 4
Để bắt đầu sử dụng GA4, bạn cần cài đặt một thẻ cấu hình đơn giản trên trang web của mình. Thẻ cấu hình này giúp Google Analytics hiểu cách trang web hoạt động và thu thập dữ liệu phù hợp. Với việc tích hợp GA4, bạn sẽ có cái nhìn chi tiết về lưu lượng truy cập, nguồn khách hàng, hoạt động trang web, và nhiều thông tin hữu ích khác để tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị và cải thiện trải nghiệm người dùng. Sau đây là các bước thiết lập thẻ cấu hình GA4:
Bước 1: Tạo thẻ cấu hình GA4
Bắt đầu bằng cách tạo một thẻ Google Analytics: Cấu hình GA4 để gửi dữ liệu đến tài sản Analytics của bạn.
1. Trong Trình quản lý thẻ của Google. Chọn tab “Tài khoản” chọn tài khoản bạn đã tạo trong bài Cách cài đặt Google Tag Manager
2. Trong tab “Không gian làm việc” của Trình quản lý thẻ, bạn nhấp chọn Thẻ > Mới
3. Nhập tên cho thẻ ở trên cùng và nhấp vào “Cấu hình thẻ”.
4. Nhấp chọn Google Analytics: Cấu hình GA4.
5. Nhập “Mã đo lường” và chọn tùy chọn “Gửi một sự kiện lượt xem trang khi cấu hình này tải”. Mã đo lường sẽ có dạng như sau: “G-xxxxxx”.
>> Xem thêm: Hướng dẫn tạo tài khoản Google Analytics 4 để lấy mã đo lường
Bước 2: Tạo điều kiện kích hoạt
1. Click chọn “Kích hoạt”.
Chọn Trình kích hoạt. Tại đây GTM có đề xuất 3 mục chính: All Pages, Consent Initialization – All Pages và Initialization – All Pages bạn chọn All nhé.
2. Click “Lưu”.
Bước 3. Xuất bản thẻ GA4
Quay lại giao diện chính của Trình quản lý thẻ. Nhấp vào “Xem trước”.
Một tab mới sẽ xuất hiện trên trình duyệt của bạn. Nhập vào url website của bạn và click “connect”.
Giao diện trang chủ web của bạn xuất hiện với một popup thông báo kết nối thành công.
Tại tab Tag Assistant trên trình duyệt, thể hiện thông tin các trang web đang tải và được gửi qua GA4.
Sau khi kiểm tra GA4 đã kết nối thành công tới trang web của bạn, bạn quay lại trang chủ của Trình quản lý thẻ, click “Gửi”.
Một cửa sổ popup xuất hiện. Tại đây bạn nhập tên phiên bản và mô tả phiên bản, để có thể phân biệt những phiên bản xuất bản sau này. Sau đó bạn nhấp “Xuất bản”.
Một cửa sổ xuất hiện với thông báo: “Hát như thể không có ai đang lắng nghe”.
Đến đây thì việc tích hợp Google Analytics 4 vào GTM đã xong. Và bây giờ bạn đã có thể quay lại giao diện Google Analytics để theo dõi các sự kiện trên trang web của bạn rồi đó.
Lưu ý: nếu trước đó bạn đã chèn đoạn code của Google Analytics vào phần header của WordPress thì bạn hãy xóa nó đi nha, để tránh báo cáo sẽ gửi về 2 lần.